Đất đai: Cây na Thái dễ sống không kén chọn đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng, đất sỏi, đất cát, chua hoặc trung tính. Tuy nhiên, để cây na Thái cho quả to ngon, năng suất cao, thi Bà con nên trồng ở loại đất tốt, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Đất thích hợp nhất để trồng na Thái là đất rừng mới khai phá, đất phù sa, có độ pH= 5,5-6,5. Nếu trồng đất xấu, không bón phân thì cây nhanh già cỗi, ít quả, hạt nhiều, quả nhỏ.
Ánh sáng và độ ẩm: Na Thái là cây trồng ưa ánh sáng hoàn toàn, na Thái ưa độ ẩm trung bình.
Nhiệt độ: Na Thái chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu rét khá tốt. Mùa đông cây rụng lá, nghỉ đông ngừng sinh trưởng, đến mùa xuân lại mọc lá mới. Cây rất phù hợp trồng ở Miền Bắc nước ta.
Thời vụ trồng: Bà con nên trồng na Thái vào mùa xuân kéo dài đến tháng 8-9.
Mật độ trồng: Tính theo kích thước của tán cây có thể trồng mật độ 4x4m hoặc 4x5m/ 1 cây. Khoảng cách trồng 5m ở đất tốt, 4m ở đất xấu.
Đào hố trồng: Hố trồng na Thái cần có chiều sâu khoảng 50 cm, kích thước rộng, bón lót bằng 15-20kg phân chuồng + 0,2 kg kali + 0,5 kg lân trước khi trồng khoảng 7-10 ngày.
Cách trồng: Trồng na Thái cũng không khác gì so với trồng na Thường. Đối với bầu na gieo từ hạt khi đã đủ tuổi, bà con tiến hành rạch ni lông sau đó đặt cây vào giữa hố đã đào sẵn, san đất xuống hố và nệm đất cao hơn gốc cây một chút. Đối với cây giống ghép cành, bà con cũng trồng như thế. Bà con chú ý sau khi trồng cần tưới đẫm nước cho cây, chú ý bảo vệ cây.
Thời vụ trồng: Đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ương trong bầu, hay cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra trái, tưới bổ sung khi gặp trời hạn cũng có lợi.
Bón phân: Nên bón 20 – 30 kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau đó khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20 kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16 -16 – 8 : 0,5 kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg. Ví dụ năm thứ hai bón 1 kg/cây, năm thứ ba 1,5 kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5 kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.
Sâu bệnh: Na Thái ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi na chưa có trái rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán được, mà còn làm giảm chất lượng do vị nhạt.
– Trị bằng thuốc: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,… Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái, vào lá. Khi trái sắp chín, không xịt nữa, tránh gây độc cho người tiêu thụ.
Thu hoạch: Dấu hiệu na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (na mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là na Thái, vẫn dễ nát.
Bảo quản: Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen…). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 13 độ C, chôm chôm 12 độ C, na 13 độ C, dưa hấu 10 độ C… Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3% trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây.